Nếu bạn là dân miền Tây chính hiệu, không thể không biết món gỏi sầu đâu khô sặc. Lá sầu đâu đắng nhức nhối, đắng tê lưỡi, khi sánh đôi cùng miếng khô sặc mặn mòi giòn rụm, chấm nước mắm me chua ngọt, thì thành vị ngon khó tả, khó quên.
Món gỏi sầu đâu được cho là xuất xứ từ Campuchia và du nhập vào Việt Nam thông qua những gia đình người Khơ-me sinh sống tại Việt Nam. Người ta thường ăn món này khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch vì đây là khoảng thời gian cây sầu đâu ra hoa và lá mới. Sầu đâu, hay còn được gọi là sầu đông là một loại cây mọc rất nhiều ở các tỉnh miền tây có hoa màu trắng xanh, lá có vị đắng nhưng chứa nhiều vị thuốc tốt. Ở miền Trung cũng có một loại cây cùng tên nhưng có hoa màu tím và lá có độc không ăn được.
Theo đông y, lá sầu đâu là một vị thuốc quý với công dụng là điều trị một số vấn đề như bệnh phong, chảy máu mũi, giun đường ruột, buồn nôn, ăn mất ngon, loét da, bệnh tim mạch, sốt, tiểu đường, bệnh nướu răng và các vấn đề về gan.
Hoa sầu đâu màu trắng xanh như này thì lá mới ăn được, hoa tím thì chỉ để ngắm thôi nha mọi người!
Vị đắng thanh của lá sầu đâu, vị chua chua ngọt ngọt của nước mắm me kết hợp cùng mùi thơm lừng của khô cá sặc tạo nên một món ăn tuy đơn giản nhưng không thực khách nào cưỡng lại được.