Cá linh trong tiếng Khmer gọi là trêy lênh hoặc trêy rial. Tên gọi cá linh gắn với truyền thuyết: Nguyễn Ánh đi thuyền ngang sông Vàm Nao, vì thấy cá này nhảy vào thuyền, ông sanh nghi nên không đi tiếp, sau mới biết nếu đi thì gặp nguy vì có binh phục của Tây Sơn tại Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng (nay thuộc huyện Chợ Mới), vì vậy ông đặt tên “cá linh” để tri ân.
Cứ sau mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, theo dòng nước đỏ quạch phù sa từ thượng nguồn Mekong đổ về, cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) mênh mông bắt đầu “phiêu lưu” xuống đồng bằng sông Cửu Long, từ những chấm nhỏ li ti, cá linh lớn lên dần dần và quay ngược trở về thượng nguồn để thực hiện nghĩa vụ duy trì nòi giống trước khi… hóa kiếp.
Cá linh vị ngọt, thịt lành, rất nhiều chất bổ dưỡng: giàu protid, lipid, sắt, Ca, P, Mg, vitamin A, B1, B2, B6… Theo Đông y, có tác dụng kiện tỳ lợi thủy, hóa đàm hạ khí thông trệ, giảm ho, thanh thấp nhiệt, dưỡng khí huyết.
Cá linh lớn theo con nước, cá linh đầu mùa còn được gọi là cá linh non, do ưu điểm xương mềm (có thể ăn luôn xương), bụng có mỡ béo ngậy, nên mùa cá linh non thường rất được mong ngóng để có thể thưởng thức hương vị đặc sắc của miền Tây!
Cá linh khi to cỡ ngón tay người lớn thì thường được ủ mắm, trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng Châu Đốc, An Giang: mắm cá linh. Có thể ăn sống mắm cá linh với thịt luộc, bún tươi nhưng xuất sắc nhất là dùng mắm cá linh nấu mắm chưng, lẩu mắm, bún mắm…
Khi cá linh lớn hết cỡ, người miền Tây lại dùng cá linh để ủ nước mắm. Nước mắm cá linh có hậu ngọt, vị đậm đà, màu cánh gián trong veo. Nước mắm cá linh dùng ăn sống hoặc tẩm ướp, nêm nếm đều đem lại cho món ăn hương vị đặc trưng khó lẫn.
Khách hàng đánh giá
Reviews
There are no reviews yet.
Bình luận