Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ ở Việt Nam. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống lâu đời được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Mỗi khi đến dịp Tết Đoan Ngọ các gia đình đều chuẩn bị những mâm lễ cúng với đầy đủ những lễ vật dâng cúng tổ tiên và thần thánh cầu mong một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại và cầu mong sức khỏe.
Mâm lễ Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 đúng chuẩn truyền thống bao gồm các lễ vật như hương hoa, rượu nếp, hoa quả, nước uống, xôi chè…, và món không thể thiếu là cơm rượu vì quan niệm ngày xưa đây là món ăn giúp “diệt sâu bọ” rất tốt, tuy nhiên mâm cỗ cúng Tết 5/5 ở mỗi vùng miền lại có sự khác nhau rất thú vị.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của miền Bắc:
Cơm rượu nếp cái hoa vàng là đặc điểm nổi bật của mâm cúng ngày mùng 5 tháng 5 của người Bắc. Cơm rượu của người Bắc hạt rời hơn so với 2 miền còn lại.
Hoa quả cúng Tết 5/5 của người Bắc thường gồm: mận, vải, đào, xoài, dưa hấu… Đặc biệt là mận Sơn La, vải Thanh Hà, đào Lạng Sơn…thường được bày cúng Tết.
Món bánh gio (bánh tro) cũng được dâng làm lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ của người Bắc. Người ta tin rằng khi ăn bánh này sẽ giúp tiêu tan bệnh tật.
Mâm lễ tết Đoan ngọ miền Bắc
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của miền Trung:
Cơm rượu làm đồ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Trung thường là loại cơm trắng và được đóng thành khối chứ không rời như người miền Bắc.
Thịt vịt là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Trung vì họ tin rằng sau ngày 5/5 âm lịch trở đi thì thịt vịt sẽ béo hơn, ngậy hơn, ngon hơn và không có mùi hôi. Đặc biệt, tiết canh vịt là một món ăn được người miền Trung làm nhiều nhất dịp Tết 5/5.
Chè kê là một lễ vật không thể thiếu được người Huế bày biện để cúng Tết.
Mùng 5/5 người miền Trung thường ăn thịt vịt
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Nam
Cơm rượu của người miền Nam cũng được sử dụng cơm rượu trắng để làm và đặc biệt người nam bộ thường viên cơm rượu thành từng khối và khi ăn sẽ pha thêm chút đường để cơm rượu được ngọt hơn.
Món chè trôi nước được người miền Nam đưa vào mâm lễ cúng. Phong tục này khác với người miền Bắc vì người Bắc chỉ ăn chè trôi nước vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch.
Bánh ú là một phiên bản khác của bánh tro cũng được đưa vào mâm lễ cúng của người miền Nam. Bánh ú của người miền Nam thường được gói hình chóp, to bằng nắm tay và thường có nhân đậu xanh.
Đối với người miền Tây Nam bộ, thì Tết mùng 5/5 còn là dịp cả nhà sum vầy cùng đổ bánh xèo, đúng điệu nhất là bánh xèo nhân thịt vịt xiêm.
Chè trôi nước, món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ của người miền Nam
Xúm xít đổ bánh xèo là cách người miền Tây ăn tết Đoan ngọ